Làm sao để tận dụng hiệu quả miếng đất mặt đường rộng 4m nhưng sâu đến 33m? Nhiều người hẳn sẽ lắc đầu ngao ngán trước miếng đất “siêu mỏng” này thế nhưng vẫn có cách để bạn khắc phục nhược điểm, tận dụng hết ưu thế của miếng đất này, biến nó thành món tài sản đáng giá của bạn.
Miếng đất “siêu mỏng” và yêu cầu “siêu khó” của chủ nhà
Tại quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng, một miếng đất có diện tích 120m có mặt trước rộng hơn 4 m và mặt sau nhỏ hơn, chỉ 3,5 m nhưng chiều dài lên tới 33 m.
Phía ngoài của ngôi nhà có phần chiều dài gấp 8 lần chiều rộng.
Chủ nhà yêu cầu các kiến trúc sư thiết kế ngôi nhà đảm bảo các yếu tố như tầng đầu tiên dùng kinh doanh cà phê; tầng hai làm nơi sinh hoạt của gia đình 4 người; tầng mái được dùng làm sân chơi. Diện tích xây dựng khoảng 90m2/tầng. Chi phí đầu tư không vượt quá 60.000 USD (gần 1,4 tỷ đồng). Không chỉ là một ngôi nhà tiện nghi, thoải mái cho việc sinh hoạt, chủ nhà còn muốn tận dụng ưu thế mặt đường của ngôi nhà để sử dụng cho việc kinh doanh cà phê, đòi hỏi đội ngũ kiến trúc sư phải có đủ khả năng để giải quyết gấp đôi khó khăn.
Khắc phục nhược điểm, nhân đôi lợi thế cho ngôi nhà
Điều trước tiên cần làm là khắc phục nhược điểm về mặt không gian cho ngôi nhà. Các tường kính và cửa kính được tận dụng tối ưu, giúp ánh sáng và gió vào nhà cũng như tạo không gian rộng rãi. Chất liệu kính giúp tầm nhìn được mở rộng, không bị hạn hẹp so với cửa và tường thông thường, mang đến hiệu ứng không gian rộng mở cho ngôi nhà.
Tường kính và cửa kính tạo hiệu ứng không gian rộng rãi, tầm nhìn xa.
Bên cạnh đó, yếu tố xanh, thoáng mát của ngôi nhà cũng được các kiến trúc sư chú trọng. Kiến trúc sư đã ưu tiên tạo ra ba không gian cây xanh được trồng dọc chiều dài khu đất. Trong các không gian này, giếng trời được thiết kế để đón nắng và gió.
Cây xanh kết hợp cùng giếng trời giúp ngôi nhà luôn thoáng mát.
Nguyên liệu thô của ngôi nhà là gạch thủ công, đá granite được kết hợp trang trí thêm cây xanh, mang lại cảm giác gần gũi với thiên nhiên.
Không gian dễ chịu, thư giãn và gần gũi với thiên nhiên.
Với 2 yếu tố này, giới hạn về độ rộng của ngôi nhà gần như không quá ảnh hưởng đến việc sinh hoạt và tận hưởng của gia chủ nói riêng và khách đến quán cà phê nói chung. Tầng 1, không gian kinh doanh quán cà phê bao gồm quầy bar, bếp và khu vực pha chế. Kiến trúc sư sử dụng cửa trượt gấp, rất nhiều cây và ao cá để tạo ra một không gian hoàn toàn mở.
Tầng 1 của ngôi nhà được sử dụng cho việc kinh doanh cà phê.
Tầng 2, không gian sinh hoạt gồm phòng khách, bếp ở giữa và phòng ngủ được bố trí ở phía trước và phía sau.
Không gian sinh hoạt dành cho cả gia đình nằm ở tầng 2 của ngôi nhà.
Cuối cùng tầng 3 được thiết kế làm không gian kinh doanh cà phê hoặc các hoạt động vui chơi của gia đình.
Tầng 3 được “biến hóa” thành không gian mở đầy thơ mộng.