Giống như cha mình – cố KTS lừng danh Ngô Viết Thụ, KTS Ngô Viết Nam Sơn đã gắn bó với ngành quy hoạch kiến trúc trên 30 năm nay. Sau khi lấy bằng Tiến sĩ khoa học tại Mỹ, với kinh nghiệm 15 năm hành nghề tại Bắc Mỹ và châu Á, nay ông đã chuyển hướng dành trọng tâm công tác chuyên ngành của mình nhiều hơn cho Việt Nam.
– Vì sao ông chọn làm kiến trúc, có phải vì ba ông là kiến trúc sư (KTS) lừng danh Ngô Viết Thụ?
– Lúc còn học cấp 2, tôi đã mê đọc sách, đọc hết thư viện phong phú của ba tôi, từ sách học làm người của Nguyễn Hiến Lê đến sách về y dược của Hải Thượng Lãn Ông, từ truyện Tam quốc đến truyện kiếm hiệp Kim Dung, từ sách quy hoạch kiến trúc đến các thuyết minh bản vẽ đồ án… Có lẽ vì vậy mà lớn lên, tôi theo con đường làm KTS một cách tự nhiên. Tôi cho rằng người không yêu thích kiến trúc thì sẽ không theo được ngành này, bởi nó đòi hỏi nhiều công sức bỏ ra nhưng thu nhập không cao so với những ngành khác.
Ba tôi thấy tôi thích nghề kiến trúc sư thì ông rất vui bởi nhà chỉ có mình tôi theo nghề. Ông khuyến khích con cái phát triển theo năng khiếu và sở thích riêng chứ không hề bắt ép theo mình. Tuy vậy, dù các anh chị em trong gia đình không làm kiến trúc nhưng đều thành công trong các lĩnh vực liên quan như nội thất, hội họa, xuất bản, tin học …
– Bản thân ông đặt kỳ vọng gì với nghề?
– Kiến trúc sư ở nước ngoài có nhiều thuận lợi vì môi trường làm việc ổn định, từng lĩnh vực liên quan đều có chuyên gia giỏi, nền pháp lý ổn định, do đó có thể chỉ chuyên tâm sáng tạo chuyên môn.Về Việt Nam, tôi nhận thấy mảnh đất này nhiều cơ hội, nhưng cũng đi kèm nhiều thách thức, vì hệ thống pháp lý và các ngành nghề hỗ trợ còn lỏng lẻo và yếu kém. Do đó, tôi được cho biết chỉ khoảng 20% KTS tốt nghiệp có thể hành nghề trong lĩnh vực tư vấn thiết kế, còn lại thì hoạt động ở các lĩnh vực khác có liên quan hoặc phải chuyển nghề.
Tôi cho rằng bộ mặt đô thị thể hiện trình độ phát triển, trình độ dân trí một đất nước. Trong bối cảnh khó khăn chung đó, KTS có thể chọn một trong ba con đường: hoặc là xoay sở, luồn lách với cơ chế hiện tại để tồn tại, với hy vọng một ngày nào đó xã hội sẽ tự thay đổi; hoặc chuyển nghề khác; hoặc là cùng nhau tác động để góp phần vào việc tác động thay đổi xã hội và môi trường hành nghề. Tôi và một số bạn đồng nghiệp đã chọn cách thứ ba. Do đó, ngoài công việc tư vấn thiết kế, tôi còn dành thời gian để viết bài, viết sách, tham dự hội thảo, tư vấn cho các địa phương, đi dạy…
– Đó có phải là lý do bạn đọc luôn thấy KTS Ngô Viết Nam Sơn trong những điểm nóng quy hoạch, như bảo tồn trung tâm TP HCM hay đồi Dinh Đà Lạt?
– Tôi viết bài, trả lời báo chí về các vấn đề trên với mục tiêu phổ cập hóa kiến thức bảo tồn, để không chỉ các cơ quan quản lý, mà cả người dân bình thường cũng có thể tham gia, hiểu được các vấn đề cơ bản, và tầm quan trọng của việc phải giữ gìn, bảo vệ và nâng cao giá trị môi trường sống.
Trong đó, chúng ta cần xem trọng cả 2 giá trị cũ và mới, trong mối tương quan hài hòa giữa bảo tồn và phát triển đô thị, bởi không phải ai cũng thấy được giá trị nhiều mặt và lâu dài của di sản. Chúng ta cũng cần thay đổi thói quen làm việc như tư duy hợp tác đa ngành để chất lượng và hiệu quả kinh tế xã hội của các dự án đô thị được tốt hơn, giúp địa phương giàu mạnh nhanh hơn.
– Ông có thấy được hiệu quả từ các đợt tư vấn cho chính quyền?
– Tôi nghĩ là có hiệu quả, vì hầu hết ý kiến của tôi đều được các cơ quan lắng nghe, tuy việc thực hiện có thể nhanh hay chậm hơn so với mong muốn, nhưng quan trọng hơn là có sự quan tâm thay đổi. Ví dụ như những năm 1990, mọi người có tư duy kiến trúc Pháp là tàn tích thực dân, phải xóa bỏ xây dựng mới. Sau bao nhiêu năm, các đồng nghiệp và tôi cũng đã thuyết phục người ta hiểu rằng kiến trúc Pháp góp phần đem lại bản sắc cho đô thị Hà Nội, TP HCM, Đà Lạt và cần được bảo tồn. Hay chuyện cần phải tích hợp và tạo thói quen sử dụng giao thông công cộng cho người dân trong phát triển đô thị…
Nơi nào chưa có được thời cơ thuận lợi để thay đổi, tôi viết bài viết học thuật để thuyết phục thay đổi dần dần. Nơi nào được ủng hộ, tôi xắn tay vô làm luôn các dự án cụ thể cùng với địa phương.
– Ông cho rằng trong giới có nhiều người cũng như ông, đang cố gắng từng ngày đóng góp cho xã hội?
Có chứ! Tôi ngày càng quen nhiều người “đồng chí hướng” như vậy tại các sự kiện hoặc hội nghị, hội thảo, ví dụ như quen các nhà sử học tại hội thảo bảo tồn Dinh Thượng Thư, các chuyên gia Unesco và giáo sư từ Milan tại một chuỗi hội thảo tại Hà Nội do tòa Đại sứ Ý tổ chức, các chuyên gia trong nước và từ Pháp (Paris và Lyon) tại hội thảo về bảo tồn di sản Đà Lạt…
Một đất nước phát triển không thể chỉ đo bằng tiền, mà còn trên bình diện văn hóa, lịch sử, trong đó phát triển phải đi đôi với bảo tồn thiên nhiên, di sản kiến trúc. Một đô thị, điều quan trọng nhất là phải đáp ứng chất lượng cuộc sống tối thiểu ở mức cao cho người dân, sao cho người thu nhập thấp cũng có thể nhận được chất lượng sống tốt.
– Có thể thấy, ông tham gia khá nhiều lĩnh vực như viết báo, tư vấn chính sách, tham dự các hội thảo kiến trúc… bên cạnh vai trò chính là một kiến trúc sư. Ông có thể nói rõ hơn về những công việc mình đang làm?
– Có thể nói công việc thường ngày của tôi nằm trong 4 lĩnh vực chính.
- Thứ nhất, tôi hành nghề tư vấn thiết kế kiến trúc quy hoạch cho các dự án trong nước và nước ngoài. Trước kia tôi làm việc tại Bắc Mỹ với những tập đoàn tư vấn thiết kế quốc tế trong hơn 10 năm. Sau này, tôi thành lập công ty NgoViet Architects & Planners, trong đó chúng tôi thường là nhà tư vấn chính, hoặc cộng tác với các công ty nước ngoài, nhất là với các bạn đồng nghiệp trước kia tại Bắc Mỹ, nay đã trở thành các lãnh đạo trong các công ty đa quốc gia như SOM, HOK, Gensler, AECOM…
- Thứ hai, khi có điều kiện thuận lợi, tôi kết hợp với các chuyến công tác để làm giảng viên thỉnh giảng ở Việt Nam và nước ngoài, theo lời mời nhiều bạn học cũ nay đã thành Phó Giáo sư hoặc Giáo sư của các đại học hàng đầu trong nước (như Đại học kiến trúc TP HCM, Đại học Xây dựng Hà Nội, Đại học Đà Nẵng, …) và nước ngoài (như đại học California, MIT, USC, Texas A&M, Toronto,…). Lúc trước tôi từng có trên 4 năm làm giảng viên ở Đại học Washington và tại Đại học California. Tôi từng nghĩ mình sẽ theo nghề giảng dạy và nghiên cứu, nhưng sau đó lại thấy hợp làm chuyên môn hơn, nên sau này chỉ tham gia giảng dạy các chương trình studio, hoặc seminar, khi có dịp mà thôi.
- Thứ ba, khi có cơ hội, tôi thường tham gia thuyết trình hoặc tọa đàm tại các hội thảo, hội nghị trong và ngoài nước, viết sách viết báo về các vấn đề quy hoạch và kiến trúc… Tôi nghĩ tuy đây là các hoạt động có thể giúp tăng kết nối với đồng nghiệp trong nước và nước ngoài, cùng đóng góp nhiều hơn cho ngành nghề và cho việc nâng cao dân trí về quy hoạch kiến trúc. Điều này cũng để khi người dân hiểu biết hơn, họ có thể góp tiếng nói tích cực giúp thay đổi các cách tư duy và cách làm đã cũ.
- Thứ tư, tôi tham gia tư vấn chiến lược cho các địa phương trong và ngoài nước. Ở nước ngoài, tôi đã từng góp phần tư vấn quy hoạch cho nhiều thành phố theo nhiều hình thức; hoặc là trực tiếp thông qua các dự án quy hoạch kiến trúc tại Trung Quốc (Thượng Hải, Bắc Kinh), tại Philippines (Filinvest, Manila), tại Canada (Montreal, Toronto), tại Mỹ (Orlando, New Jersey, San Francisco)…; hoặc là tư vấn cho các dự án nghiên cứu cho thành phố tại Mỹ (Redmond, Tukwila, Seattle, Kirkland, San Francisco,…), thông qua thỏa thuận giao việc và hỗ trợ tài chính cho các studio thiết kế của đại học mà tôi giảng dạy cùng với các giáo sư nhiều ngành khác nhau của trường.
Trong nước, tôi đã góp phần tư vấn chiến lược hoặc tư vấn phản biện cho những dự án quan trọng của nhiều tỉnh thành (như TP HCM, Hà Nội, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Phú Quốc, Lâm Đồng, Nha Trang, Đồng Nai, Bình Dương… và hiện tại là Bà Rịa – Vũng Tàu, Bến Tre), theo lời mời của lãnh đạo địa phương hoặc của cơ quan trung ương.
Tư vấn chiến lược nghĩa là góp ý cho các địa phương về công tác quy hoạch ở tầm nhìn chiến lược đô thị và vùng đô thị, khi cần có thể kết nối và mời các công ty và chuyên gia nước ngoài cùng hợp tác, để giúp địa phương trong công tác định hướng chiến lược bảo tồn và phát triển đô thị với tầm nhìn dài hạn, lập các quy hoạch và kế hoạch thực hiện theo phân kỳ.
– Ông có thể cho biết mô hình tổ chức và làm việc nào là tốt nhất, đối với công ty Ngô Viết Architects & Planners nói riêng và với công ty tư vấn thiết kế tại Việt Nam nói chung?
– Tùy theo nhu cầu công việc, vị trí, và quy mô của dự án, mà tôi chỉ sử dụng nhân sự của công ty, hoặc sẽ cùng liên danh hợp tác với các đơn vị trong và ngoài nước khác.
Điều này tôi áp dụng theo kinh nghiệm mà tôi đã thu thập khi làm việc tại nhiều công ty đa quốc gia, đặc biệt là SOM (Mỹ) có văn phòng tại nhiều thành phố ở Bắc Mỹ, cũng như ở châu Á. Trong đó, quy mô nhân sự cho một dự án lớn, dù lớn và quan trọng đến đâu, vẫn có thể chỉ cần 5 – 6 nhân sự chính về tư vấn thiết kế, hợp tác cùng các nhóm chuyên gia tư vấn hoặc công ty tư vấn khác trong và ngoài nước, phối hợp với bộ máy hỗ trợ hành chính.
Với bộ máy lớn, công ty có nhược điểm là thường chịu áp lực tài chính, không thể tập trung làm công việc chính là chuyên tâm làm kiến trúc, quy hoạch. Do đó, đa số dự án quy mô lớn của thế giới thường không do một tập đoàn thiết kế thực hiện trọn gói, mà thường do một nhóm gồm hàng chục công ty chuyên ngành lớn nhỏ cùng cộng tác phối hợp với nhau.
Thấy được liên doanh liên kết là xu hướng của thế giới, tôi đang cùng ban chấp hành Hội KTS Việt Nam vận động sửa Luật Kiến trúc để các kiến trúc sư có thể mở văn phòng mà không phải nuôi một bộ máy quá lớn. Vận động này cũng nhằm thay đổi quy trình thi tuyển chọn thầu thiết kế, không dựa trên đánh giá năng lực công ty chỉ thông qua quy mô bộ máy nhân lực, mà chủ yếu phải dựa trên kiến thức, kinh nghiệm và năng lực tư vấn thiết kế của KTS cùng giá trị của bản thân các phương án đề xuất.
– Theo ông, kiến trúc sư Việt Nam và nước ngoài có chênh lệch về trình độ không?
– Tôi cho rằng hiện vẫn đang có một sự ngộ nhận sai lầm rất lớn về sự khác biệt trình độ giữa kiến trúc sư Việt Nam với nước ngoài, dẫn đến việc ưu ái hơn cho việc tạo điều kiện hành nghề tốt hơn cho KTS nước ngoài, theo một cách bất công cho KTS Việt Nam. Sai lầm này cần được chấn chỉnh càng sớm càng tốt.
Các KTS Việt Nam được đào tạo và tu nghiệp nước ngoài, trình độ không hề thua kém KTS nước ngoài, và nhiều người trong số đó đã vươn lên vị trí cao trong các công ty tư vấn thiết kế nước ngoài. Tại miền Nam Việt Nam trước 1975, nhiều KTS Việt Nam được đào tạo tại Pháp đóng vai trò chính trong việc thiết kế các công trình tại Việt Nam, trong khi KTS nước ngoài chỉ đóng vai trò mờ nhạt. Kiến trúc sư tốt nghiệp từ Trường Cao đẳng Kiến trúc Sài Gòn, tiền thân là trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương do Pháp lập nên, đã có một thời từng được Pháp công nhận tư cách hành nghề tương đương KTS đào tạo tại Pháp.
Do đó, nếu trình độ kiến trúc sư trong nước từ 1975 đến 1990 từng có khoảng cách thua kém với nước ngoài, chủ yếu là vì tình hình khách quan của kinh tế đất nước khó khăn, bị cấm vận, hạn chế giao thương với nước ngoài. KTS thời đó không được cung cấp thông tin và kiến thức nghề nghiệp cập nhật thường xuyên như đồng nghiệp nước ngoài. Việc ra nước ngoài tham quan tu nghiệp rất khó, cơ hội tham dự các hội thảo hội nghị quốc tế, việc tiếp cận với tài liệu nước ngoài cũng bị hạn chế.
Hiện nay tình hình đã khác trước nhiều. Thế hệ kiến trúc sư trẻ có rất nhiều người có cơ hội du học hoặc tu nghiệp bậc cao hơn ở nước ngoài. Thông tin được cung cấp phong phú nhờ hội nhập quốc tế và mạng internet. Điều kiện kinh tế cũng tốt hơn, và việc đi nước ngoài tham quan học hỏi trở nên khá dễ dàng. Do đó, không có lý do gì, mà cơ chế lại ưu ái cho KTS nước ngoài được nhận phí tư vấn thiết kế cao hơn KTS trong nước, chỉ vì họ là người nước ngoài. Tôi cho rằng cần tạo điều kiện cho KTS Việt Nam cạnh tranh công bằng với KTS nước ngoài về năng lực tư vấn thiết kế và được trả phí tư vấn thiết kế xứng đáng như nhau, dựa trên chất lượng đồ án.
Để một kiến trúc sư làm tốt công việc ở Việt Nam, cho dù là KTS Việt hay KTS nước ngoài, tôi nghĩ họ đều cần phải có đủ 3 nền tảng kiến thức.
- Thứ nhất, KTS cần có hiểu biết về khoa học kỹ thuật tiên tiến nhất của nước ngoài, tức là đã từng có thời gian học, tu nghiệp, hoặc làm việc ở nước ngoài, hoặc ít ra là có trình độ sinh ngữ đủ cao để học hỏi và cập nhật kiến thức mới từ mạng internet toàn cầu, và có thể hợp tác với các chuyên gia nước ngoài một cách bình đẳng. Điều này tuy KTS nước ngoài có lợi thế hơn, nhưng nhiều KTS Việt Nam ngày nay cũng không hề thua kém, với nhiều kinh nghiệm quốc tế và giải thưởng quốc tế.
- Thứ hai là cần hiểu được địa phương, điều kiện tự nhiên, phong tục tập quán và nhu cầu con người Việt Nam. Điều này KTS Việt Nam có lợi thế lớn hơn KTS nước ngoài. Nhiều KTS nước ngoài thiết kế những công trình bọc kính đẹp và hiện đại, có thể phù hợp với vùng ôn đới, nhưng lại không phù hợp với điều kiện khí hậu nhiệt đới gió mùa tại Việt Nam, dẫn đến việc phát tán ánh nắng mặt trời gây tác hại đến môi trường xung quanh, lãng phí chi phí vận hành và điều hòa cho công trình, điển hình là công trình trung tâm hành chính Đà Nẵng và tòa nhà Bitexco tại TP HCM. Do đó, chỉ có những KTS nước ngoài sống và làm việc tại Việt Nam lâu năm mới đáp ứng được tiêu chí thứ hai này.
- Thứ ba là hiểu biết về thủ tục và luật lệ xây dựng, quy hoạch hiện hành tại Việt Nam và có thể trực tiếp chịu trách nhiệm giải quyết nhanh các vấn đề phát sinh của dự án suốt quá trình thực hiện. Điều này có nghĩa là KTS phải có chứng chỉ hành nghề tại Việt Nam và có văn phòng công ty tại Việt Nam.
– Vậy người Việt đi ra nước ngoài thiết kế thì sao, gặp phải khó khăn gì, thưa ông?
– Theo thông lệ quốc tế ở nước ngoài, chính quyền luôn bảo vệ tư cách hành nghề của các kiến trúc sư địa phương, trước sự cạnh tranh của các KTS nước ngoài. Đối với các công trình trọng điểm thì có thể tổ chức thi thiết kế quốc tế, nhưng khi đi vào giai đoạn khai triển và thực hiện, thì chỉ KTS có chứng chỉ hành nghề của địa phương mới được hành nghề. Do đó, nếu KTS của bang khác hoặc nước khác đoạt giải thiết kế, mà không có chứng chỉ hành nghề, thì buộc phải thi lấy chứng chỉ, hoặc hợp tác với KTS địa phương có chứng chỉ hành nghề, để cùng thực hiện dự án.
Ví dụ tại Mỹ, không có chuyện sở hữu một chứng chỉ hàng nghề ở một bang mà được làm chủ trì dự án trong các bang khác, trừ những trường hợp được bang quy định ngoại lệ. Mỗi bang thường có quy định thi chứng chỉ hành nghề khác nhau. Nếu kiến trúc sư có chứng chỉ hàng nghề của bang New York, hoặc của nước ngoài, muốn thiết kế cho công trình nằm tại bang California thì phải thi lấy chứng chỉ. Nếu không có chứng chỉ hành nghề, kiến trúc sư chỉ có thể thiết kế phương án kiến trúc mà thôi, còn hồ sơ kiến trúc để trình xin phép xây dựng đó phải được hợp tác với công ty kiến trúc ở Canifornia để khai triển và ký đóng dấu bởi KTS có chứng chỉ hành nghề (gọi là Architect of Record).
Việt Nam hiện nay vẫn còn cho phép kiến trúc sư nước ngoài vẫn được nhận hợp đồng tư vấn thiết kế với mức cao hơn nhiều lần so với đồng nghiệp người Việt Nam và được ký tên đóng dấu vào hồ sơ, tuy không có chứng chỉ hành nghề ở Việt Nam. Nhưng KTS Việt Nam ra nước ngoài chắc chắn sẽ không được phép làm điều tương tự. Đây là điều rất bất công với KTS Việt Nam, trái với thông lệ quốc tế, rất cần phải được sửa đổi lại.
– Ông cho rằng giá trị cao nhất của công trình là gì?
– Giá trị cao nhất của công trình là phải đáp ứng được các yêu cầu đa dạng của người sử dụng, với hiệu quả kinh tế xã hội và mỹ thuật cao, tận dụng được các thành tựu và kinh nghiệm tiên tiến của thế giới, đồng thời phải góp phần nâng cao bản sắc quy hoạch kiến trúc đặc thù của địa phương trong thế kỷ XXI.
Một dự án có nhiều giai đoạn, như nghiên cứu ý tưởng, phát triển đồ án khai triển chi tiết quy hoạch kiến trúc, thực hiện xây dựng dự án, quản lý và vận hành dự án … Không nên mặc định cứ giao kiến trúc sư nước ngoài mới có ý tưởng và sản phẩm tốt, mà vẫn nên ưu tiên giao cho KTS Việt Nam, với phí tư vấn thiết kế xứng đáng, giống như KTS nước ngoài. Chỉ như vậy, KTS Việt Nam mới có phương tiện làm việc phù hợp, để tạo ra các tác phẩm “made in Vietnam” với chất lượng quốc tế.
Về mặt ý tưởng quy hoạch kiến trúc, tôi tin chắc nhiều KTS Việt Nam hiện nay hoàn toàn có năng lực đưa ra được những phương án tốt không kém nước ngoài, có khi còn tốt hơn, do hiểu biết sâu về điều kiện địa phương và các yếu tố bản sắc văn hóa Việt Nam. Ở các giai đoạn thiết kế, đặc biệt là giai đoạn khai triển chi tiết, với mức phí tư vấn thiết kế hợp lý hơn, các đơn vị Việt Nam mới hoàn toàn có thể thuê các đơn vị chuyên ngành của nước ngoài hỗ trợ và hợp tác, giống như cách làm của các công ty tư vấn nước ngoài ở Việt Nam.
Theo: ndh.vn